Chiều 1/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức và làm việc tại Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc với sự có mặt của hàng trăm lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.
Người lao động sau 4 năm làm việc ở Hàn Quốc đều trưởng thành
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trải qua 32 năm, hợp tác lao động đã trở thành một trong những trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Số lượng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay khoảng 120.000 người, trong đó khoảng 50% đi theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS).
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Nhật BắcLao động Việt Nam đi lao động Hàn Quốc theo 3 hình thức: Chương trình EPS; chương trình đào chất lượng cao; chương trình thuyền viên và tàu cá.
Hiện 16 địa phương của Việt Nam cũng đang có hợp tác lao động với Hàn Quốc. Trong số hàng trăm lượt lao động Việt Nam từ Hàn Quốc trở về, nhiều người đã trở thành ông chủ.
Cũng vì thế mà các cơ quan của Hàn Quốc đã sang Việt Nam trao đổi và quyết định để những lao động ưu tú của Việt Nam quay trở lại nước sở tại với yêu cầu đào tạo chất lượng chuyên môn và tay nghề cao hơn.
Phần lớn lao động Việt Nam sau 4 năm làm việc ở Hàn Quốc đều trưởng thành, trở thành nhân lực quan trọng trong các tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin rằng, quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng đi vào đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất cao và mang lại thu nhập tốt hơn. Thông qua đó, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được đẩy mạnh.
Ông Lee Woo Young, Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc cho biết, lao động Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cả hai quốc gia.
Trong 20 năm, số lượng người lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc là hơn 13.000 người, đứng thứ 2 trong số các quốc gia đưa lao động nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Trong số đó, có rất nhiều người Việt đã hoàn thành quá trình lao động ở Hàn Quốc và tiếp tục quay trở lại nước này để làm việc. Đây là nguồn nhân lực quý giá trong phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Ông Lee Woo Young nhấn mạnh, Chính phủ Hàn Quốc quan tâm rất quan tâm đến chương trình hợp tác lao động với Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ mong muốn rút gọn quy trình nhập cảnh của người lao động vào Hàn Quốc; xây dựng cơ chế mới về tuyển chọn lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu và nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Ảnh: Nhật BắcChia sẻ với Thủ tướng và các bộ ngành hai nước, chị Lê Thị Tình (quê Thanh Hóa) cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, chị đã tìm hiểu chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc và được Bộ LĐ-TB-XH tuyển chọn, hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng.
Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan của Việt Nam, đến nay chị đã “thoát nghèo”, có một công việc với mức lương ổn định ở Hàn Quốc.
Anh Lê Văn Huy (sinh năm 1989, ở Hà Nội) chia sẻ, do gia đình quá khó khăn nên đã sang Hàn Quốc lao động với sự giúp đỡ của nhiều cấp, ngành ở địa phương. 12 năm làm việc ở đây đã giúp anh học hỏi được rất nhiều.
Năm 2016, anh Huy nộp hồ sơ và hai năm sau chính thức có quốc tịch Hàn Quốc và mua nhà, mở một cửa hàng bún chả Hà Nội ở Hàn Quốc. Hiện nay anh mở rộng đầu tư và có nguồn thu nhập tốt.
Hiện thực hóa "ước mơ Hàn Quốc"
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi hàng chục lao động Việt Nam sau khi từ Hàn Quốc về nước đã được tiếp nhận lại. Đó là minh chứng cho lao động có tính chất tuần hoàn, cho thấy sự hiện của người Việt Nam ở Hàn Quốc là hết sức cần thiết.
Thủ tướng thông tin, hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn rất nhiều dư địa, bởi lẽ Hàn Quốc đang trong quá trình già hóa dân số, thiếu lao động, còn Việt Nam lại ở thời kỳ dân số vàng. Hai bên có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Hàn Quốc đang có nhu cầu tuyển nhiều lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ với những yêu cầu cao. Vì vậy, Việt Nam phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác, thay đổi cách làm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật BắcNgười đứng đầu Chính phủ nhắc lại câu nói Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, đó là những người có trách nhiệm phải làm sao để giúp lao động hiện thực hóa "ước mơ Hàn Quốc" khi làm việc và sinh sống tại đây. Vì vậy, theo Thủ tướng, phải làm sao để người lao động được tôn trọng, quý mến và cống hiến hết mình cho quan hệ cũng như sự phát triển của hai nước.
Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc đi đầu trong việc đào tạo nhân lực quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam, đồng thời đưa các chuyên gia, nhà quản lý có trình độ cao sang công tác, làm việc tại Việt Nam.
Bày tỏ mong muốn Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh:
Các cơ quan cần chia sẻ thông tin để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Đồng thời, đảm bảo người lao động được hưởng các lợi ích chính đáng của mình, an tâm làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại.
Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Việt Nam luôn cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, người lao động nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng đầu tư kinh doanh, làm việc, học tập hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam.
"Việt Nam coi thành công của các bạn cũng chính là thành công của mình", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng mong người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ tận dụng tốt cơ hội để trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của người dân Hàn Quốc.
Khi trở về Việt Nam, họ sẽ là những doanh nhân giỏi, những người lao động có kỹ năng, những công dân tiêu biểu, góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước cũng như mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Hàn Quốc.